Nhân khẩu Ả_Rập_Xê_Út

Mật độ dân số Ả Rập Xê Út theo vùng

Dân số Ả Rập Xê Út vào tháng 7 năm 2016 được ước tính là 28,1 triệu, trong đó có 30% (khoảng hơn 8 triệu)[2] đến 10 triệu người nhập cư không có quyền công dân,[192][206] tuy nhiên giới lãnh đạo quốc gia này có lịch sử nâng khống số liệu nhân khẩu.[207]Dân số Ả Rập Xê Út tăng trưởng nhanh từ khoảng năm 1950 với dân số 3 triệu,[208] và trong nhiều năm đây là một trong các quốc gia có tỷ suất sinh cao nhất trên thế giới với khoảng 3% một năm.[209] Tuy nhiên, tổng tỷ suất sinh năm 2016 giảm xuống còn 2,11 trẻ em trên mỗi phụ nữ.[2]

Thành phần dân tộc của công dân Ả Rập Xê Út có 90% là người Ả Rập và 10% là người lai Á-Phi.[210] Hầu hết người Ả Rập Xê Út sống tại Hejaz (35%), Najd (28%), và Vùng Đông (15%).[211]

Cho đến khoảng năm 1970, hầu hết người Ả Rập Xê Út sống tại nông thôn, song trong nửa sau của thế kỷ XX vương quốc trải qua đô thị hoá nhanh chóng. Tính đến năm 2012[cập nhật] khoảng 80% người Ả Rập Xê Út sống tại các khu vực đô thị lớn, đặc biệt là Riyadh, Jeddah hay Dammam.[212]

Dân số Ả Rập Xê Út khá trẻ với trên một nửa dưới 25 tuổi (2012).[213] Một phần lớn dân số là mang quốc tịch nước ngoài. (The CIA Factbook ước tính rằng tính đến năm 2013[cập nhật] người nước ngoài sống tại Ả Rập Xê Út chiếm khoảng 21% dân số.[2] Cục Thống kê và Thông tin Trung ương Ả Rập Xê Út ước tính số người nước ngoài vào cuối năm 2014 chiếm 33% dân số (10,1 triệu).[214] Trong đó, người Ấn Độ có 1,3 triệu, người Pakistan có 1,5 triệu (2012),[215] người Ai Cập: 900.000, người Yemen: 800.000, người Bangladesh: 500.000, người Philippines: 500.000, người Jordan/Palestine: 260.000, người Indonesia: 250.000, người Sri Lanka: 350.000, người Sudan: 250.000, người Syria: 100.000 và người Thổ Nhĩ Kỳ: 100.000.[216]

Người Hồi giáo nước ngoài[217] sống tại vương quốc đủ 10 năm có thể xin quyền công dân Ả Rập Xê Út (ưu tiên cho người có trình độ khoa học,[218] và ngoại lệ là người Palestine trừ khi họ kết hôn với một công dân Ả Rập Xê Út.) Ả Rập Xê Út không ký kết Công ước người Tị nạn Liên Hiệp Quốc 1951.[219] Do dân số Ả Rập Xê Út tăng trưởng và thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ đình trệ, khiến gia tăng áp lực trong việc thay thế công nhân nước ngoài bằng công dân, và chính phủ Ả Rập Xê Út hy vọng giảm số người nước ngoài tại đây.[220]

Cho đến đầu thập niên 1960, số nô lệ tại Ả Rập Xê Út ước tính là 300.000.[221] Chế độ nô lệ chính thức bị bãi bỏ vào năm 1962.[222][223]

Tháp dân số Ả Rập Xê Út năm 2016

Ngôn ngữ chính thức của Ả Rập Xê Út là tiếng Ả Rập. Ba phương ngữ chủ yếu của người Ả Rập Xê Út là tiếng Ả Rập Hejaz (khoảng 6 triệu người nói), tiếng Ả Rập Najd (khoảng 8 triệu người nói), và tiếng Ả Rập Vùng Vịnh (khoảng 0,2 triệu người nói). Ngôn ngữ ký hiệu Ả Rập Xê Út là ngôn ngữ chủ yếu của cộng đồng khiếm thính. Các cộng đồng ngoại kiều lớn cũng nói ngôn ngữ của họ, đông đảo nhất là tiếng Tagalog, tiếng Rohingya, tiếng Urdu, tiếng Ả Rập Ai Cập.[224] Có nhiều người nói tiếng Anh tại Ả Rập Xê Út vì Công ty Dầu mỏ Ả Rập-Mỹ (SAMCO) chi phối kinh tế Ả Rập Xê Út. Mặc dù tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức duy nhất, song nhiều khi tiếng Anh được ghi song song với tiếng Ả Rập.[225]

Hồi giáo là quốc giáo của Ả Rập Xê Út và pháp luật vương quốc yêu cầu rằng toàn bộ công dân là tín đồ Hồi giáo.[226], và gần như toàn bộ cư dân Ả Rập Xê Út là người Hồi giáo.[227][228] Khu vực Hejaz có các thành phố MeccaMedina là cái nôi của Hồi giáo, là điểm đến trong cuộc hành hương hajj, là hai thánh địa của Hồi giáo.[229] Theo ước tính số lượng tín đồ hệ Hồi giáo Sunni tại Ả Rập Xê Út là từ 75% đến 90%, 10–25% còn lại thuộc hệ Hồi giáo Shia.[230][231][232][233][234] Thể thức chính thức và chi phối của hệ Hồi giáo Sunni tại Ả Rập Xê Út thường được gọi là Wahhabi[235] (những người đề xướng chuộng tên gọi tư tưởng Salafi, nhìn nhận Wahhabi là xúc phạm[236]) và thường được các nhà quan sát mô tả là 'chủ nghĩa đạo đức', 'không khoan dung', hay 'cực bảo thủ', còn các tín đồ xem đây là Hồi giáo "đích thực". Phái này do Muhammad ibn Abd al-Wahhab thành lập trong thế kỷ XVIII tại bán đảo Ả Rập. Các phái khác như Hồi giáo Shia thiểu số bị đàn áp có hệ thống.[237] do tư tưởng Wahabbi lên án đức tin Shia.[238][239]

Theo ước tính có khoảng 1,5 triệu tín đồ Cơ Đốc giáo tại Ả Rập Xê Út, gần như toàn bộ là công nhân nước ngoài.[240] Ả Rập Xê Út cho phép người Cơ Đốc giáo nhập cảnh với tư cách công nhân nước ngoài để làm việc tạm thời, song không cho phép họ hành lễ công khai. Tỷ lệ công dân Ả Rập Xê Út theo Cơ Đốc giáo về chính thức là không có,[241] do công dân bị cấm cải đạo khỏi Hồi giáo và nếu vi phạm sẽ bị tử hình.[242] Bất chấp điều đó, một nghiên cứu vào năm 2015 ước tính rằng có 60.000 người Hồi giáo cải sang Cơ Đốc giáo tại Ả Rập Xê Út.[243] Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew thì có 390.000 tín đồ Ấn Độ giáo tại Ả Rập Xê Út, gần như toàn bộ là công nhân nước ngoài.[244] Theo pháp lý từ năm 2014, Người vô thần sẽ bị xác định là phần tử khủng bố.[245]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ả_Rập_Xê_Út http://www.thenational.ae/arts-culture/art/carved-... http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003425.php http://www.chinadaily.com.cn/world/2015-01/23/cont... http://stream.aljazeera.com/story/201306180036-002... http://www.aljazeera.com/news/2015/03/saudi-arabia... http://www.aljazeera.com/news/2017/09/saudi-arabia... http://www.aljazeera.com/news/middleeast/2014/04/s... http://www.arabianbusiness.com/saudi-king-gives-bi... http://arabnews.com/saudiarabia/article199149.ece http://arabnews.com/saudiarabia/article238363.ece